Nhân Ngày Quốc tế Nữ giới trong Công nghệ Thông tin-Truyền thông, một phân tích mới cảnh báo rằng trong một thế giới ngày càng kết nối hơn, trẻ em gái đang bị bỏ lại phía sau tại nhiều quốc gia
NEW YORK/HÀ NỘI, 27/4/2023 – Theo một phân tích mới của UNICEF công bố vào Ngày Quốc tế Nữ giới trong Công nghệ Thông tin-Truyền thông, Việt Nam là một trong số 4 quốc gia[1] đạt được cân bằng giới về kỹ năng số. Khi bàn tới vấn đề cân bằng giới, phân tích về sử dụng mạng Internet ở thanh thiếu niên cho thấy chỉ có 8[2] trong số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ được phân tích đạt được điều này. Tuy nhiên, khoảng 90% trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ không sử dụng mạng Internet tại các quốc gia thu nhập thấp, trong khi nam giới cùng độ tuổi lại có khả năng truy cập mạng cao gấp đôi.
Theo Giám đốc Giáo dục Toàn cầu của UNICEF Robert Jenkins, “Thu hẹp khoảng cách số giữa trẻ em gái và trẻ em trai không chỉ dừng ở khả năng tiếp cận Internet và công nghệ. Đó còn là trao quyền để trẻ em gái trở thành những người đổi mới, sáng tạo và lãnh đạo. Nếu muốn giải quyết khoảng cách giới trong thị trường lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ bằng cách giúp những người trẻ tuổi, đặc biệt là nữ giới có được kỹ năng số.”
Báo cáo – Thu hẹp Khoảng cách số: Thách thức và Kêu gọi Hành động Khẩn cấp để Phát triển Kỹ năng số Công bằng – tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề khoảng cách giới về kỹ thuật số ở thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi thông qua phân tích những dữ liệu hiện có về sử dụng Internet, sở hữu điện thoại di động, và những kỹ năng số ở hầu hết các quốc gia thu nhập thấp, trung bình thấp và trung bình. Mặc dù cần có thêm các dữ liệu phân tách giới để theo dõi, hiểu rõ hơn và hướng tới hòa nhập kỹ thuật số, báo cáo cho thấy trẻ em gái đang bị bỏ lại phía sau trong một thế giới ngày càng số hóa và kết nối hơn.
Mặc dù việc thúc đẩy tiếp cận mạng Internet rất quan trọng, nhưng thực trạng đào tạo kỹ năng số vẫn còn chưa đủ. Ví dụ, tại hầu hết các quốc gia được phân tích, tỷ lệ thanh thiếu niên có truy cập mạng Internet tại nhà cao hơn nhiều so với tỷ lệ thanh thiếu niên có kỹ năng số.
Chỉ tại Việt Nam và Mông Cổ, cân bằng giới được ghi nhận ở cả kỹ năng đọc hiểu cơ bản lẫn kỹ năng số khi quan sát vấn đề cân bằng giới ở các nhóm tuổi cụ thể. Kết quả cho thấy tại các quốc gia này, cả trẻ em gái và trai độ tuổi từ 7-14 có kỹ năng đọc hiểu nền tảng như nhau, trong khi trẻ em gái và trai vị thành niên cũng như nam nữ thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 có kỹ năng số cơ bản với tỷ lệ tương đương.
Tuy nhiên, đạt được cân bằng giới không nhất thiết là các kỹ năng này phổ biến trong dân số. Ví dụ, tại Việt Nam, mặc dù 83% trẻ trong độ tuổi từ 7-14 có kỹ năng đọc hiểu nền tảng nhưng chỉ có khoảng 36% dân số từ 15-24 tuổi có kỹ năng số cơ bản. Do đó, mặc dù đã tồn tại cân bằng giới, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước cho tới khi tất cả thanh thiếu niên đạt được kỹ năng cần thiết để có việc làm và thu nhập cao hơn.
Theo báo cáo, trên toàn cầu, trẻ em gái thường có ít cơ hội nhất trong phát triển các kỹ năng cần thiết cho học tập và làm việc ở thế kỷ 21. Trung bình trên 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ hội tiếp cận kỹ năng số ở trẻ em gái ít hơn 35% so với trẻ em trai cùng độ tuổi, bao gồm các hoạt động đơn giản như sao chép tệp tin hay thư mục, gửi thư điện tử hoặc chuyển tệp.
Theo báo cáo, rào cản không chỉ đơn giản là thiếu truy cập internet, mà nguyên nhân còn sâu xa hơn nhiều. Các phát hiện cho thấy môi trường giáo dục và gia đình đóng vai trò quan trọng trong vấn đề khoảng cách giới về kỹ thuật số. Ví dụ, ngay trong cùng một gia đình, trẻ em gái có ít khả năng tiếp cận, tận dụng tối đa mạng Internet cũng như các công nghệ số hơn so với trẻ em trai. Trong số 41 quốc gia và vùng lãnh thổ được phân tích, các hộ gia đình có nhiều khả năng cho con trai dùng điện thoại di động hơn là cho con gái. Trong khi đó, hầu hết các nhà giáo dục không tính đến yếu tố giới và thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ em gái trong giáo dục kỹ năng số, điều này càng cản trở sự phát triển của trẻ em gái.
Rào cản tiếp cận các cơ hội học lên cao và thị trường lao động, các định kiến và chuẩn mực phân biệt đối xử phổ biến về giới, cũng như những lo ngại về sự an toàn trên không gian mạng có thể hạn chế hơn nữa việc hòa nhập kỹ năng số và phát triển kỹ năng của trẻ em gái.
Bản báo cáo cũng lập luận rằng ngay cả khi trẻ em gái có quyền tiếp cận bình đẳng để học các kỹ năng đọc hiểu và toán nền tảng – và đạt thành tích ngang bằng hoặc tốt hơn các bạn nam cùng tuổi – điều này không phải lúc nào cũng chuyển đổi thành kỹ năng số. Để phá bỏ những rào cản đang kìm hãm trẻ em gái, các em cần được tiếp xúc và tiếp cận sớm với công nghệ, đào tạo kỹ năng số và kỹ năng sống, cũng như nỗ lực giải quyết các định kiến giới có hại, đặc biệt là trong gia đình, cũng như bạo lực mạng. Thêm vào đó, chỉ bằng cách áp dụng các cách tiếp cận giảng dạy mang tính chuyển đổi về giới mới có thể phá bỏ những rào cản với sự tiến bộ của trẻ em gái trong lĩnh vực STEM, đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng cho mọi học sinh.
UNICEF đang kêu gọi chính phủ các nước và đối tác thu hẹp khoảng cách giới và đảm bảo trẻ em gái có cơ hội để thành công trong thế giới số. Dưới đây là một số khuyến nghị:
- Giảng dạy kỹ năng số bình đẳng cho trẻ em gái và trẻ em trai trong và ngoài trường học, bao gồm cả các chương trình cộng đồng và đảm bảo rằng giáo dục số được dạy từ bậc mầm non trở lên.
- Bảo vệ sựan toàn trên không gian trực tuyến của trẻ em gái thông qua các không gian mạng an toàn, chính sách và luật, cùng hoạt động giáo dục.
- Thúc đẩy khả năng tiếp cận của trẻ em gái với giáo dục đồng đẳng, tư vấn, thực tập và thực hành tìm hiểu công việc trong thế giới số/STEM.
Từ năm 2021, Trung tâm Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng CFC Việt Nam đã triển khai các dự án về An toàn trên mạng và kỹ năng số cho trẻ em và thanh thiếu niên, với hơn 5 triệu lượt tiếp cận, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của An toàn trên Internet.