Chương trình tập huấn giáo viên tại Lào Cai: Ứng dụng công nghệ thực tế ảo XR/VR vào xây dựng bài giảng

0
951

Trong khuôn khổ dự án: “ Học tập cho trẻ em” giai đoạn 2017-2021 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng UNICEF, 12 trường thuộc 4 địa phương gồm: Lào Cai, Kon Tum, Đồng Tháp, Hà Nội đã được chọn thí điểm ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường giai đoạn 2. Vừa qua, UNICEF cùng đối tác là Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng, gọi tắt là CFC đã tổ chức tập huấn: “Áp dụng thực tế ảo tăng cường trong giáo dục” cho giáo viên, chuyên viên, lãnh đạo giáo dục đến từ các trường, phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Vượt qua hơn 300km từ Hà Nội, nhóm tập huấn của CFC Việt Nam có sự tham gia của Tiến sỹ Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục tại Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội và chị Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc vận hành của CFC Việt Nam cùng đội ngũ trợ giảng đã đặt chân đến Thị trấn Sapa. Sapa năm nay đón gió lạnh sớm, từ trước khi rời Hà Nội, nhóm tập huấn đã nhận được sự quan tâm nhiệt tình của các thầy cô giáo dặn dò chuẩn bị đủ đồ ấm. Chương trình tập huấn diễn ra trong 02 ngày 23 và 24 tháng 10 năm 2021 tại Sapa và Bắc Hà dành cho các thầy cô giáo của 4 trường: Tiểu học Hàm Rồng, THCS Hàm Rồng, PTDTBT THCS Bản Phố và Trường PTDT BT THCS xã Sín Chéng của tỉnh Lào Cai đã diễn ra trong không khí thân mật, gần gũi.

Trong đợt tập huấn, Unicef tài trợ 44 máy tính bảng cùng 60 kính thực tế ảo cho 04 trường tại Lào Cai. Thầy Tôn Quang Cường đã giúp các thầy cô giáo làm quen với các thiết bị cũng như giao diện các bài giảng trên nền tảng của Eon. Các thầy cô giáo được trải nghiệm và tìm hiểu thư viện bài giảng thực tế ảo, cách thức xây dựng bài giảng, chia sẻ tài nguyên.. Lợi ích của việc sử dụng bài giảng sử dụng công nghệ thực tế ảo sẽ giúp tăng cường sự sinh động cho bài giảng, tạo hứng thú trong giờ học cũng như khắc phục các hạn chế về trang thiết bị, giáo cụ học tập ví dụ các em không cần đi xa nhưng có thể quan sát được hình dáng, bộ phận 3 chiều của máy bay, làm các thí nghiệm ảo… đây cũng chính là mục tiêu của dự án, trong việc nỗ lực thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các khu vực nông thôn, miền núi khó khăn và thành thị.

Chuyến tập huấn đã thành công tốt đẹp, CFC Việt Nam xin gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe tới tất cả các thầy cô tham gia tập huấn, rất mong được tiếp tục đồng hành với các thầy cô trên hành trình mang tri thức đến với tuổi trẻ Việt Nam. Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tập huấn: