Suckhoedoisong.vn – Để phòng, chống COVID -19, học sinh cả nước đã được nghỉ học từ tháng 2 và tiếp tục nghỉ học. Việc nghỉ học của trẻ nhỏ trong giai đoạn đầu gây ra khá nhiều khó khăn, bất tiện cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh có con trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học.
Nhiều phụ huynh than phiền kỳ nghỉ “đặc biệt” này cha mẹ vẫn đi làm nên trẻ ở nhà chủ yếu làm bạn với tivi, Ipad. Điều này không tốt cho sức khoẻ của trẻ lại có nguy cơ khiến trẻ trở thành con nghiện ipone, ipad. Làm thế nào để giúp con vượt qua kỳ nghỉ “bất đắc dĩ” mà không cảm thấy nhàm chán?.
Suckhoedoisong.vn xin chia sẻ kinh nghiệm của chị Nguyễn Phương Chi một phụ huynh bình thường như bao phụ huynh có con nhỏ khác, mặc dù rất bận rộn với công việc nhưng đã dành thời gian cùng con xây dựng kế hoạch cho ngày nghỉ để biến ngày nghỉ không nhàm chán, giúp con khám phá ra nhiều khả năng của bản thân mình.
PV: Xin chào Phương Chi, qua facebook của bạn tôi thấy có khá nhiều mẹ chia sẻ và xin kinh nghiệm từ bạn để giúp con họ “lập kế hoạch” trong những ngày nghỉ ở phòng chống dịch COVID -19. Bạn có thể chia sẻ cách bạn giúp con lập kế hoạch như thế nào?
Nguyễn Phương Chi: Cảm ơn câu hỏi của chị. Ngay từ lúc có công văn đầu tiên thông báo các trường cho học sinh nghỉ học ở nhà để phòng chống bệnh COVID -19, tôi đã nói với con về việc nghỉ học. Sau đó, tôi trao đổi với con về việc lên kế hoạch cho một tuần nghỉ đó. Con tôi đang học lớp 1, tên ở nhà của cháu được gọi là Candy.
Kế hoạch hàng ngày được mẹ giúp đỡ khiến cô bé hào hứng hoàn thiện trong ngày
Và cách tôi hỏi con sẽ là: “Con nghĩ sao nếu chúng ta cùng lên kế hoạch làm những việc mà con muốn trong những ngày nghỉ tới?”.
Khi con đã đồng ý. Tôi nói với con “để mẹ giúp con tìm thêm những hoạt động gì đó hay ho trên mạng rồi con lựa chọn, và con xem cần chuẩn bị thêm đồ gì để làm việc không, nếu thiếu thì mẹ cùng con đưa con đi mua nhé”.
Con đã rất hào hứng lựa chọn hoạt động.
Sau khi có được danh sách các hoạt động mà con chọn. Tôi giúp con lên lịch cụ thể bằng việc thiết lập bảng kế hoạch trên máy tính. Công việc cho từng ngày và từng buổi (sáng, chiều, tối) rất cụ thể, có cả phần chuẩn bị giúp con dễ dàng làm việc nhất.
PV: Thông thường tôi thấy nhưng đứa trẻ sẽ rất nhanh chán và không kiên trì chơi, bởi vì tivi và ipad vẫn hấp dẫn chúng hơn, vậy bạn làm thế nào để chúng cảm thấy không nhàm chán và từ bỏ kế hoạch?
Nguyễn Phương Chi: Việc này đúng là cũng có những khó khăn như vậy, tuy nhiên như tôi đã nói ở trên, tôi đã cho con quyền lựa chọn những trò chơi, những công việc mà con sẽ làm. Và vì tất cả hoạt động đó là do con lựa chọn nên con có trách nhiệm và hào hứng thực hiện. Mặt khác, con đã chủ động chọn những hoạt động mà con thích nên bản thân con có cảm giác rất thoải mái và con thấy có được sự ủng hộ nên con vui vẻ, khi làm việc con rất tập trung và say mê.
Mặc dù vậy, tôi cũng có giúp con sắp xếp các công việc một cách linh hoạt hơn bằng cách xen kẽ các hoạt động trong nhà với hoạt động bên ngoài, hoạt động thủ công với hoạt động thực tế như làm bánh, vắt nước cam, và có một khoảng thời gian con được xem ti vi, hoặc xem chương trình hoạt hình tiếng anh. Việc sắp xếp như vậy nên con cũng thoải mái và hào hứng được lâu hơn.
PV: Sau một thời gian thực hiện kế hoạch như vậy của con, bạn nhận thấy con đã tiến bộ hơn về các mặt nào, có mặt nào bạn phải chú ý hơn đến con không?.
Nguyễn Phương Chi: Như tôi đã nói, kế hoạch của con có một số hoạt động là “lịch cứng” nhưng vẫn xen các hoạt động khác linh hoạt theo từng tuần nên con đã thực hiện trong thời gian khá dài.
Sau thời gian vừa rồi, tôi thấy con biết cách lên kế hoạch hơn cho một ngày làm việc và con cũng phát huy tính sáng tạo được rất nhiều.
Có hôm con nói với tôi “con thích làm việc cùng mẹ” hoặc “mẹ yên tâm, con tự lo được mấy việc của riêng con” khi con tự soạn tủ quần áo của mình. Và chúng tôi đã có nhiều khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau. Tôi biết ơn con về điều đó.
Tuy nhiên, con vẫn là đứa trẻ nên vẫn có những phản ứng thông thường như những đứa trẻ khác, đó là khi không thoải mái, con vẫn rất dễ cáu và dỗi. Dù vậy, qua sự việc này, tôi cũng biết rõ ở con, nên tôi không có đòi hỏi gì. Tôi chỉ cố gắng để con được giải tỏa cảm xúc, dù là cảm xúc vui hay buồn hay tức giận thì cũng đều đáng được trân trọng.
PV: Ồ! Bạn là một bà mẹ hiểu con. Nếu là tôi, tôi đã nổi nóng với bọn trẻ rồi, mặc dù tôi biết không nên nhưng cảm xúc rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, tôi cũng thắc mắc là công việc của bạn cũng bận rộn, vậy thời gian bạn dành cho con như thế nào để vừa có thời gian cho mình mà lại có thời gian chơi với con?
Nguyễn Phương Chi: Những tuần đầu con nghỉ thì tôi vẫn đi làm việc bên ngoài. Nhưng thời gian này thì tôi ở nhà luôn rồi, đi ra ngoài rất ít và cần thiết lắm mới đi.
Khi ở nhà thì tôi cũng trao đổi với con ngay từ đầu là “mẹ cũng có công việc cần làm, nên con cứ làm việc của con nhé. Xong việc thì mẹ sẽ chơi cùng con”. Lúc tôi làm việc thì con cũng ở gần kế bên và con làm việc của mình . Nhiều lúc con muốn mẹ chơi cùng nếu sắp xếp được thời gian thì tôi cũng sẵn lòng tham gia. Thậm chí, khi thấy con “cuồng chân” quá, tôi cũng dẫn con ra ngoài gần nhà, hai mẹ con chơi chút xíu rồi về chơi trong nhà tiếp.
Nếu như kỳ nghỉ này kéo dài thêm thời gian nữa thì tôi cũng không thấy lo lắng. Vì con tôi biết cách lên kế hoạch rồi, và tôi cũng có kế hoạch cho mình.
Tôi đã kịp mua thêm rất nhiều sách để đọc, thời gian tới tôi sẽ tạo ra các video chia sẻ thêm về thế giới trẻ thơ cũng như kiến thức phát triển tư duy. Và vẫn sẽ đồng hành cùng con trong những ngày nghỉ học bất đắc dĩ này.
Thực ra khi tôi làm việc và chơi cùng con cũng là một cách để tôi hoàn thiện chính mình ở vai trò làm mẹ.
Tôi biết ơn con, cả chồng và tất cả những người thân trong gia đình. Tôi cũng biết ơn cả thử thách mà toàn cầu đang phải đối mặt, vì những lúc như thế này tôi mới thấy thời gian và sự gắn kết thật đáng quý và đáng trân trọng. Tôi tin, khi thử thách qua đi, tất cả chúng ta, các con sẽ trưởng thành hơn.
PV: Bạn có điều gì muốn nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh khác có con trong độ tuổi như bạn không – những phụ huynh đang cảm thấy rất đau đầu với tụi trẻ trong đó có cả tôi?
Nguyễn Phương Chi: Hãy “dõi theo con”, các cha mẹ sẽ khám phá ra rất nhiều điều thú vị về trẻ và bản thân mình.
Tôi luôn dõi theo con nên tôi gần như không có định hướng gì cho con cả. Nói như vậy không có nghĩa là tôi không quan tâm, mà thực ra mọi thứ nó đã sẵn có bên trong của con rồi. Tôi chỉ tạo thêm môi trường để con khám phá ra chính con và khơi dậy niềm đam mê của con. Khi con nói “con muốn trở thành đầu bếp” thì việc của tôi là đồng tình và ghi nhận mong muốn của con. Tôi cho con thêm nhiều cơ hội trải nghiệm với công việc ở bếp. Tôi nghĩ, chỉ có con mới biết bản thân con thực sự muốn gì?. Quan điểm của tôi là như vậy và tôi tin đó là thứ mà con mình cần.
PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ rất chân thành và đời thường của bạn!
H.Nguyên (thực hiện)
CFC đang nỗ lực góp sức mình và hỗ trợ các tập thể, các gia đình và cả các em nhỏ trên cả nước tham gia vào công cuộc đẩy lùi Covid19. CFC phối hợp với Công ty May X20, Bộ Quốc phòng và Công ty Dược phẩm CVI tổ chức chương trình “Chiến sĩ nhí diệt Covid” (Videoclip), trang bị khẩu trang kháng khuẩn “Tự hào Việt Nam” được thiết kế riêng với biểu tượng cờ đỏ sao vàng, và gel rửa tay diệt khuẩn, tạo thói quen tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh và gửi những hình ảnh tích cực về bản thân như những “người chiến sĩ” trên mặt trận chống Covid-19, lan tỏa tinh thần chống dịch bệnh với cộng đồng.
Chương trình đã được một số bạn học sinh ủng hộ bằng những poster rất ấn tượng: Học sinh Vinschool vẽ poster ủng hộ “Chiến sĩ nhí diệt corona”; Vinschool student makes poster to support “Young Fighters against Covid19”.
Chương trình mời các gia đình và các bạn trẻ gửi những hình ảnh vui nhộn chụp với khẩu trang kháng khuẩn “Tự hào Việt Nam”, rửa tay đúng cách bằng gel rửa tay diệt khuẩn, về fanpage Chiến sĩ nhí diệt Covid, hoặc đăng tải hình ảnh trên Facebook kèm hashtag #ChienSiNhidietCovid để lan tỏa sức mạnh đến cộng đồng.
Các bố mẹ tham khảo thông tin tại Website: https://chiensinhi.cfc.org.vn/ hoặc Fanpage: https://www.facebook.com/ChienSiNhidietCovid/