“Với sự cho phép của UNICEF Việt Nam, CFC xin giới thiệu 1 số định nghĩa các thuật ngữ thường gặp về “Phổ cập số, Kỹ năng số, Kỹ năng chuyển đổi và Kỹ năng đặc thù công việc”, là những thuật ngữ CFC sẽ đề cập đến, khi giới thiệu các hoạt động CFC đang triển khai nhằm thúc đẩy rộng khắp hơn nữa các kỹ năng này trong công tác phát triển thế hệ trẻ Việt Nam”
Phổ cập số/xóa mù công nghệ số
Phổ cập số/Xóa mù công nghệ số đề cập đến kiến thức, kỹ năng và thái độ nhằm đảm bảo an toàn và trao quyền cho trẻ em trong một thế giới số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Điều này bao gồm việc vui chơi, tham gia, giao tiếp, tìm kiếm và học tập của trẻ thông qua các công nghệ kỹ thuật số. Những điểm cấu thành nên phổ cập số/xóa mù công nghệ số sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi, văn hóa và bối cảnh địa phương của trẻ.
Kỹ năng số
Kỹ năng số tập trung chủ yếu vào việc trả lời những câu hỏi đặt ra như: cái gì và như thế nào (trong khi xóa mù công nghệ số lại có trọng tâm ở lý do tại sao, khi nào, ai và dành cho ai). Đây là các kỹ năng cụ thể thường được liên kết với một công cụ hoặc một chương trình cụ thể. Các khóa học về phát triển kỹ năng thường là ngắn hạn.
Kỹ năng chuyển đổi (hay còn gọi là kỹ năng sống, kỹ năng thế kỷ 21, kỹ năng mềm hoặc kỹ năng tình cảm xã hội)
Các kỹ năng tư duy bâc cao và ngoài tư duy như giải quyết vấn đề, hợp tác, sáng tạo, quản lý cảm xúc, thấu hiểu và giao tiếp tạo điều kiện cho trẻ em và thanh thiếu niên trở thành những người học nhanh nhẹn, dễ thích nghi và là những công dân được trang bị để tự điều hướng các thách thức cá nhân, học tập, xã hội và kinh tế. Kỹ năng chuyển đổi đi kèm với kiến thức và giá trị nhằm kết nối, củng cố và phát triển các kỹ năng khác cũng như xây dựng kiến thức sâu rộng hơn.
Kỹ năng đặc thù công việc (hay còn gọi là kỹ năng nghề)
Các kỹ năng liên quan đến một hay nhiều nghề nghiệp, có thể ứng dụng cụ thể hoặc rộng rãi.